Chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ

Hướng dẫn số 26-HD/BCĐ, ngày 16-6-2022 của Ban Chỉ đạo tỉnh về hướng dẫn tiêu chí đánh giá phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2022 - 2025

29/06/2022 03:39:30PM
Màu chữ Cỡ chữ

Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” hướng dẫn tiêu chí cơ bản đánh giá phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

TỈNH ỦY LONG AN

BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN QCDC Ở CƠ SỞ

*

Số 26-HD/BCĐ

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Long An, ngày 16 tháng 6 năm 2022

 

 

HƯỚNG DẪN

Về tiêu chí đánh giá phong trào thi đua “Dân vận khéo”

giai đoại 2022- 2025

_______________

 

Căn cứ Kế hoạch số 07-KH/BCĐ ngày 22/02/2021 của Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Kế hoạch số 07-KH/BCĐ 2021).

Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” hướng dẫn tiêu chí cơ bản đánh giá phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm thống nhất chung về nhận thức, các tiêu chí, phương pháp thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, công nhận điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2022 - 2025 của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời khắc phục những hạn chế trong tổ chức thực hiện thời gian qua, để phong trào ngày càng thiết thực, hiệu quả cao, tạo được sự lan tỏa.

2. Yêu cầu

Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa các tiêu chí, phương pháp cơ bản trong hướng dẫn này thành tiêu chí, phương pháp chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và công nhận điển hình “Dân vận khéo” phù hợp với thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị mình giai đoạn 2022 -2025.

II. NỘI DUNG TIÊU CHÍ XÂY DỰNG ĐIỂN HÌNH “DÂN VẬN KHÉO”

Căn cứ 10 nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 07-KH/BCĐ 2021), các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành xây dựng tiêu chí và đánh giá điển hình “Dân vận khéo” cụ thể như sau:

1. Đối với tập thể điển hình “Dân vận khéo

Tập thể điển hình “Dân vận khéo” thực hiện chủ yếu ở cấp cơ sở:

Xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp; các ấp, khu phố, tổ dân phố; tổ, đội công tác chuyên môn, sản xuất; các chi đoàn, chi hội…đạt các tiêu chí sau:

- Điển hình “Dân vận khéo” phải có tên, địa chỉ, nội dung thuộc các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị.

- Điển hình “Dân vận khéo” phải có đăng ký và được cấp ủy cơ sở trực tiếp phê duyệt; điển hình có tính xã hội hóa phải gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trực tiếp quản lý; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp và huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia, có sức lan tỏa lớn, có tính kế thừa, phát triển mang lại hiệu quả thiết thực, tránh hình thức (nhân rộng được ở địa phương, cơ quan, đơn vị).

- Điển hình “Dân vận khéo” phải hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của một bộ phận nhân dân, người lao động hoặc những việc mới, việc khó khăn, cấp bách, những nhiệm vụ chính trị mà cấp ủy, chính quyền đã có chủ trương và đang tập trung tổ chức thực hiện.

- Điển hình “Dân vận khéo” cần đạt được và hài hoà 3 lợi ích: Cá nhân, tập thể và xã hội. Kết quả hoạt động của mô hình có đóng góp tích cực đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, củng cố quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Điển hình “Dân vận khéo” có thể là những tập thể đạt được kết quả toàn diện như: Được công nhận ấp, khu dân cư “Văn hoá”, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp “Văn minh, sạch đẹp, an toàn”, “Văn hoá”, nhưng cũng có thể chỉ đạt được kết quả xuất sắc trên một số lĩnh vực cụ thể như: Giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà tình thương”, “Nhà đại đoàn kết”; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, vật nuôi, cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động; sáng tạo, tiết kiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm trong lao động sản xuất; phổ cập giáo dục; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng đường làng, ngõ xóm, hiến đất làm đường; xây dựng khu dân cư không có các tệ nạn xã hội; xây dựng địa bàn an ninh trật tự; cộng đồng dân cư không vi phạm an toàn giao thông, không xảy ra tai nạn giao thông; xây dựng ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư, đơn vị; bảo vệ môi trường; tham gia giải quyết được các vấn đề bức xúc của người lao động; trong sinh hoạt, giao tiếp ở cộng đồng dân cư.v.v.

2. Đối với cá nhân điển hình “Dân vận khéo”

Cá nhân điển hình “Dân vận khéo” bao gồm: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị-xã hội, hội quần chúng, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động, cá nhân tiêu biểu trong dân tộc, tôn giáo… hiện đang cư trú, học tập, lao động, công tác, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An, đạt các tiêu chí sau:

- Có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống lành mạnh; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; có sức lôi cuốn, vận động quần chúng làm theo, tạo được niềm tin cậy của quần chúng.

- Nắm được tình hình nhân dân, phản ánh kịp thời cho cấp ủy đảng, chính quyền những vấn đề bức xúc trong quần chúng nhân dân. Thực hiện “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

- Có ý tưởng hay, cách làm sáng tạo, tham mưu được những giải pháp đúng đắn cho cấp ủy đảng, chính quyền để giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân kịp thời, hiệu quả.

- Phải có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân tận tình, giải quyết công việc đúng, hoặc sớm hơn thời gian quy định, biết lắng nghe dân, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể những điều người dân cần biết trong phạm vi thẩm quyền; có phong cách gần dân, học dân và lắng nghe ý kiến của dân; vui vẻ khi tiếp xúc, phục vụ dân, biết xin lỗi dân khi thiếu sót trong công việc, nên cảm ơn khi dân góp ý, phê bình; vận động dân cùng lo và cùng làm việc chung của xã hội; không có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, không vô cảm trước bức xúc, khó khăn của dân, không nhận hối lộ, không thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với dân.

- Đối với cán bộ, công chức hàng năm được đánh giá đạt danh hiệu thi đua từ chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (tương đương) trở lên.

Riêng cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang (kể cả lực lượng dân quân thường trực): Thực hiện xét chọn theo quy định của ngành.

III. CÁC BƯỚC XÂY DỰNG MÔ HÌNH “DÂN VẬN KHÉO”

Bước 1: Khảo sát, lựa chọn nội dung xây dựng mô hình

Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương; nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; những vấn đề khó khăn có liên quan đến đời sống xã hội, vấn đề có nhiều bức xúc trong địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở đang được cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân quan tâm... cần tập trung giải quyết. Tiến hành khảo sát, xác định những thuận lợi, khó khăn, lựa chọn nội dung và xây dựng tiêu chí cho mô hình; đồng thời xác định được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng mô hình.

Bước 2: Báo cáo, trình cấp ủy phê duyệt kế hoạch thực hiện mô hình

Trên cơ sở khảo sát, xác định nội dung xây dựng mô hình, báo cáo cấp ủy; đề xuất chủ trương thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2022 -2025.

Bước 3: Tổ chức thực hiện

Căn cứ chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; phân công cán bộ, lực lượng tham gia chỉ đạo, thực hiện mô hình; phân công trách nhiệm cho các thành viên trong ban chỉ đạo thực hiện mô hình (nếu có) gắn với các tiêu chí cụ thể của mô hình; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật, phương tiện, kinh phí để xây dựng và thực hiện mô hình “Dân vận khéo”. Trong quá trình thực hiện, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng ” nhằm đạt mục tiêu mà mô hình đặt ra.

Bước 4: Kiểm tra hoạt động của mô hình

Trong quá trình xây dựng và thực hiện mô hình "Dân vận khéo" cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hiệu quả mô hình theo các tiêu chí và chỉ tiêu đã xây dựng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Bước 5: Tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng

Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình để rút kinh nghiệm, phát triển và nhân rộng mô hình "Dân vận khéo".

 IV. THỦ TỤC VÀ HÌNH THỨC CÔNG NHẬN, KHEN THƯỞNG ĐIỂN HÌNH “DÂN VẬN KHÉO”

1.  Thủ tục và hình thức công nhận tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo

- Tập thể, cá nhân có đăng ký thi đua “Dân vận khéo” (theo từng năm hoặc giai đoạn) ngay từ đầu năm bằng văn bản, nêu rõ nội dung, giải pháp và tiến độ thực hiện (riêng những công việc, thành tích đột xuất, phát sinh trong công tác thì không phải đăng ký).

- Hàng năm, tập thể, cá nhân tổng hợp báo cáo thành tích “Dân vận khéo” (có xác nhận của cấp ủy đảng hoặc thủ trưởng trực tiếp nơi cá nhân, tập thể thực hiện “Dân vận khéo”). Báo cáo cần căn cứ vào các tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ đạt được của điển hình; nêu rõ cách làm, kinh nghiệm, tác dụng của điển hình, tính lan tỏa (trong tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương).

- Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương tổng hợp, thẩm định trình Trưởng ban Chỉ đạo có quyết định công nhận theo từng năm (áp dụng cho cấp huyện, cơ quan, sở, ban, ngành và doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý); gửi kết quả tổng hợp về Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (Ban Dân vận Tỉnh ủy) cùng thời điểm với báo cáo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở hàng năm. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ đề xuất công nhận điển hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh vào dịp 15/10/2025.

2. Khen thưởng điển hình “Dân vận khéo”

- Hình thức khen thưởng là giấy khen của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện.

- Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ xem xét đề nghị khen thưởng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vào thời điểm sơ kết, tổng kết phong trào thi đua “Dân Vận khéo” (có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể sau).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Căn cứ Hướng dẫn này thường trực Ban Chỉ đạo các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, tiến hành xây dựng tiêu chí cụ thể, hướng dẫn cho ngành, địa phương, đơn vị để làm cơ sở phát động thi đua, kiểm tra, đánh giá, công nhận, khen thưởng điển hình “Dân vận khéo” hằng năm.

- Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng tỉnh nghiên cứu vận dụng các phương pháp, tiêu chí đánh giá công nhận điển hình “Dân vận khéo” cụ thể của từng ngành, chỉ đạo trong hệ thống về phong trào thi đua “Dân vận khéo” đúng chức năng, nhiệm vụ của từng ngành.

- Báo Long An, Đài Phát thanh-Truyền hình Long An phối hợp các ngành, các cấp thường xuyên nắm tình hình thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời đưa tin, tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng các điển hình“Dân vận khéo” giai đoạn 2022 -2025.  

- Ban Chỉ đạo tỉnh, giao nhiệm vụ cho Thường trực Ban chỉ đạo (Ban Dân vận Tỉnh ủy) và tổ giúp việc theo dõi kết quả quá trình triển khai, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh, hằng năm có báo cáo chuyên đề cho Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên đây là Hướng dẫn xây dựng một số nội dung, tiêu chí chung thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2022 - 2025. Quá trình thực hiện nếu có gì cần điều chỉnh, bổ sung Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ họp để thông qua và triển khai thực hiện./.

 

Nơi nhận:                                                               

- BCĐ TW(b/c),                                                            

- TT.TU (b/c),                                                             

- TT.HĐND, UBND tỉnh (b/c),

- BDVTU,

- TV BCĐ tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo”,

- BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện, thị, thành ủy,

- BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở cơ quan, DN,

- Tổ CV,

- Lưu PNCTH.                                                                                 

TRƯỞNG BAN DÂN VẬN

kiêm

PHÓ TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO

 

(đã ký)

 

 

Phạm Văn Bốn

Các tin khác