Quyết định số 1991-QĐ/TU, ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại...
TỈNH ỦY LONG AN * Số 1991-QĐ/TU |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Tân An, ngày 07 tháng 7 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp
giữa bí thư các cấp ủy đảng với nhân dân
- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá IX);
- Căn cứ Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 20/3/2012 và Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 05/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng;
- Căn cứ Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”;
- Xét đề nghị của Ban Dân vận Tỉnh ủy,
BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy đảng với nhân dân.
Điều 2: Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và bí thư các cấp ủy đảng thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Nơi nhận: - Như điều 2; - Chánh và Phó Chánh VPTU; - Phòng Tổng hợp VPTU; - Lưu VPTU.
|
T/M BAN THƯỜNG VỤ PHÓ BÍ THƯ
Đã ký
Nguyễn Nam Việt
|
QUY CHẾ
Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp
giữa bí thư các cấp ủy đảng với nhân dân
(ban hành kèm theo Quyết định số 1991-QĐ/TU, ngày 07 tháng 7 năm
2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)
---------
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc Bí thư Tỉnh ủy; bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và bí thư cấp ủy xã, phường, thị trấn (gọi chung là bí thư cấp ủy) tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân theo định kỳ hoặc theo chuyên đề.
Điều 2: Mục đích và yêu cầu
1. Việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy với nhân dân là nhằm phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân; tạo mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa nhân dân với Đảng; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Qua tiếp xúc, đối thoại, cấp ủy đảng kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc ở địa phương theo thẩm quyền. Đồng thời, xem xét bổ sung, điều chỉnh chương trình, kế hoạch, nghị quyết, ban hành những chủ trương mới phù hợp nguyện vọng của nhân dân và phục vụ nhân dân tốt hơn; củng cố niềm tin của dân với Đảng. Mặt khác, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng đối với việc quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy ở địa phương.
2. Tiếp xúc, đối thoại phải hướng đến giải quyết tốt những nhu cầu, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thẩm quyền. Cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân hiểu, biết đầy đủ và tự giác chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Điều 3: Nguyên tắc đối thoại
1. Việc tiếp xúc, đối thoại phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch và có tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
2. Bí thư cấp ủy tổ chức tiếp xúc, đối thoại chịu trách nhiệm trước cấp ủy về việc trả lời các ý kiến tham gia đối thoại, kể cả trong trường hợp chỉ định người khác trả lời thay; về việc tiếp thu và chỉ đạo giải quyết các ý kiến, vấn đề bức xúc chính đáng của nhân dân qua tiếp xúc, đối thoại.
3. Không được lợi dụng tiếp xúc, đối thoại để làm trái các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc đưa ra những thông tin không có căn cứ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và hoạt động của tổ chức, cá nhân.
CHƯƠNG II
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ TIẾP XÚC, ĐỐI THOẠI
Điều 4: Khảo sát, nắm chắc tình hình, tâm trạng nhân dân, dư luận xã hội
1. Cấp ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổ chức khảo sát, nắm chắc tình hình, tâm trạng nhân dân, dư luận xã hội trước khi tổ chức tiếp xúc, đối thoại để lựa chọn chủ đề, nội dung phù hợp, phản ánh đúng các vấn đề bức xúc và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
2. Dự báo các tình huống có thể xảy ra để việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp đạt được mục đích đề ra. Rà soát, thống kê những vấn đề bức xúc, nổi cộm của nhân dân, nhất là những vấn đề đã được nhân dân kiến nghị, đề xuất chính đáng đã nêu ra nhiều lần nhưng chưa giải quyết dứt điểm và dự kiến phương hướng, giải pháp chỉ đạo giải quyết trong thời gian tới.
Điều 5: Xây dựng kế hoạch tiếp xúc, đối thoại
1. Các cấp ủy xây dựng kế hoạch tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy với nhân dân theo định kỳ hoặc theo chuyên đề hàng năm.
2. Kế hoạch tiếp xúc, đối thoại bám sát nhu cầu thực tế, xác định cụ thể chủ đề; nội dung, phương thức thực hiện; thành phần tham dự; thời gian và địa điểm tổ chức. Phân công, giao nhiệm vụ tổ thư ký và bộ phận tham mưu (gồm đại diện các đơn vị, bộ phận có liên quan thuộc phạm vi quản lý) để giúp bí thư điều hành chương trình tiếp xúc, đối thoại; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, từng bộ phận đảm nhiệm trong các giai đoạn chuẩn bị đối thoại, tiến hành đối thoại và xử lý công việc sau đối thoại.
Điều 6: Thông báo và bố trí thời gian, địa điểm tiếp xúc, đối thoại
1. Khi công tác chuẩn bị đã đạt yêu cầu, cấp ủy chỉ đạo việc mời, thông báo nhân dân về địa điểm, thời gian, thành phần, chủ đề, nội dung tiếp xúc, đối thoại.
2. Việc bố trí thời gian, địa điểm tổ chức tiếp xúc, đối thoại phải đảm bảo an ninh, trật tự, trang trọng, thuận lợi cho nhân dân tham dự; tạo không khí thân mật, gần gũi giữa bí thư cấp ủy với nhân dân.
CHƯƠNG III
THỰC HIỆN TIẾP XÚC, ĐỐI THOẠI
Điều 7: Hình thức tiếp xúc, đối thoại
1. Tiếp xúc, đối thoại theo định kỳ mỗi năm 01 lần (theo quy định tại mục b khoản 1, Điều 7, Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”).
2. Tiếp xúc, đối thoại theo chuyên đề
a. Tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương và nguyện vọng chính đáng, cấp thiết của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, bí thư cấp ủy tiếp xúc, đối thoại theo chuyên đề để giải đáp hoặc giải quyết những yêu cầu bức xúc nêu trên.
b. Thời gian, địa điểm, nội dung tiếp xúc, đối thoại với nhân dân theo chuyên đề ở cấp nào do cấp ủy cấp đó quyết định.
Điều 8: Chương trình tiếp xúc, đối thoại được thực hiện thống nhất theo trình tự sau:
a. Đại diện Văn phòng cấp ủy nêu lý do, giới thiệu đại biểu, chương trình, nội quy của buổi tiếp xúc, đối thoại; cử tổ thư ký ghi biên bản; cử người tiếp nhận đăng ký ý kiến phát biểu của nhân dân.
b. Bí thư cấp ủy thông báo cho nhân dân khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và các vấn đề quan trọng khác của địa phương mà nhân dân quan tâm; nêu ra mục đích, yêu cầu, chủ đề, nội dung chủ yếu của buổi tiếp xúc, đối thoại.
c. Mời đại diện nhân dân phát biểu ý kiến theo thứ tự, nội dung, thời gian phát biểu đã đăng ký.
d. Đại diện các cơ quan có liên quan được mời tham dự phát biểu, trả lời những vấn đề nhân dân phản ảnh thuộc thẩm quyền.
e. Bí thư cấp ủy giải thích, trao đổi, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của nhân dân và kết luận buổi tiếp xúc đối thoại.
Điều 9: Thành phần tiếp xúc, đối thoại
1. Chủ thể tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân là bí thư cấp ủy các cấp; tuy nhiên, khi có trường hợp cấp thiết bí thư cấp ủy có thể ủy quyền cho phó bí thư tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân và báo cáo kết quả với bí thư ngay sau cuộc tiếp xúc, đối thoại.
2. Căn cứ nội dung, tính chất, điều kiện tổ chức tiếp xúc, đối thoại, chủ thể quyết định về số lượng, thành phần mời dự tiếp xúc, đối thoại phù hợp. Thành phần gồm:
a. Đại diện các hộ dân cư trú tại địa phương, đại diện các tầng lớp, giới, nhóm (thanh niên, nông dân, phụ nữ, công nhân, doanh nhân, trí thức, chức sắc tôn giáo…) có liên quan đến nội dung chủ đề tiếp xúc, đối thoại.
b. Khi có yêu cầu, cấp ủy nơi tiếp xúc, đối thoại có thể mời thêm đại diện thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, một số ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị- xã hội có liên quan dự nắm tình hình và trả lời các kiến nghị, đề xuất của nhân dân.
Điều 10: Nội dung tiếp xúc, đối thoại
1. Nội dung tiếp xúc, đối thoại ở cấp nào do cấp ủy cấp đó quyết định, bao gồm:
a. Những vấn đề phát sinh từ thực tiễn thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b. Việc quán triệt thực hiện nghị quyết của cấp ủy và kế hoạch tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương.
c. Quan hệ giữa đảng bộ, chính quyền, đoàn thể địa phương với nhân dân, vấn đề thủ tục hành chính.
d. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách của cán bộ, công chức, đảng viên.
e. Các vấn đề khác mà cấp ủy thấy cần đưa vào nội dung tổ chức tiếp xúc, đối thoại.
2. Nội dung tiếp xúc, đối thoại của bí thư cấp ủy cần tập trung hướng vào chủ đề của buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu. Chủ động nghiên cứu, nắm rõ các ý kiến, các vướng mắc phát sinh và yêu cầu bức xúc của nhân dân; phân loại theo từng chuyên đề, từng nội dung, theo mức độ cấp thiết của vấn đề kiến nghị, trên cơ sở đó phân công cụ thể cho các đơn vị, bộ phận có liên quan chuẩn bị nội dung trả lời.
Điều 11. Trách nhiệm của người tham gia tiếp xúc, đối thoại
1. Bí thư cấp ủy chủ trì tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Giải đáp rõ ràng, chính xác những vấn đề bức xúc, chính đáng của nhân dân theo thẩm quyền. Những vấn đề ngoài thẩm quyền thì ghi nhận, chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
2. Tổ thư ký chịu trách nhiệm: Ghi chép đầy đủ các ý kiến của nhân dân và nội dung trả lời của bí thư cấp ủy, đại diện các cơ quan, đơn vị được phân công trả lời các ý kiến của nhân dân. Phân loại các nhóm vấn đề mà nhân dân nêu ý kiến để chuyển cho các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
3. Các cơ quan tham mưu thực hiện các nhiệm vụ: Phân loại ý kiến để sắp xếp chương trình; theo dõi, ghi chép đầy đủ các ý kiến của nhân dân có liên quan; chuẩn bị nội dung giúp bí thư cấp ủy trả lời tại cuộc tiếp xúc, đối thoại hoặc trực tiếp đối thoại với nhân dân khi bí thư cấp ủy yêu cầu.
4. Đối với nhân dân và đại diện các cơ quan, tổ chức dự buổi đối thoại phải tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phát biểu, trả lời của chủ trì và các cơ quan liên quan. Khi phát biểu hoặc có ý kiến phản hồi phải đăng ký và được sự đồng ý của chủ trì cuộc tiếp xúc, đối thoại. Không được tự ý cắt ngang ý kiến phát biểu của người khác, không làm mất trật tự hoặc có hành vi gây rối.
CHƯƠNG IV
XỬ LÝ CÔNG VIỆC SAU TIẾP XÚC, ĐỐI THOẠI
Điều 12: Việc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của nhân dân và thông báo ý kiến kết luận của bí thư cấp ủy sau tiếp xúc, đối thoại
1. Tất cả các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân được nêu ra tại cuộc tiếp xúc, đối thoại phải được tập hợp đầy đủ, tiếp thu nghiêm túc và trả lời kịp thời. Nội dung tổng hợp các vấn đề kiến nghị và kết quả trả lời đối thoại phải được thông báo đến đại diện của nhân dân, tổ chức tham gia đối thoại để theo dõi, giám sát việc thực hiện.
2. Sau khi kết thúc buổi tiếp xúc, đối thoại, chậm nhất là 10 ngày làm việc, văn phòng cấp ủy hoặc cán bộ phụ trách văn phòng cấp ủy thông báo kết luận của bí thư cấp ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm chính đáng của nhân dân qua tiếp xúc, đối thoại đến các cơ quan, tổ chức nêu kiến nghị biết; báo cáo cho cấp ủy cấp trên trực tiếp bằng văn bản; đồng thời thông báo đến công dân bằng hình thức phù hợp.
Điều 13: Việc xử lý các ý kiến, kiến nghị của nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại
1. Chậm nhất 30 ngày làm việc, sau khi nhận được thông báo kết luận của bí thư cấp ủy, các cơ quan chức năng, liên quan phải xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản đến các tổ chức và cá nhân có liên quan; đồng thời báo cáo với bí thư cấp ủy về kết quả xử lý, giải quyết các kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua tiếp xúc, đối thoại.
2. Trường hợp những vụ việc cần có thêm thời gian để xác minh, làm rõ hoặc các nội dung giải quyết cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật thì cơ quan có trách nhiệm giải quyết phải có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân có liên quan và báo cáo với bí thư cấp ủy về nội dung, yêu cầu, thời gian, trách nhiệm giải quyết.
Điều 14: Đánh giá, rút kinh nghiệm và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý các ý kiến, kiến nghị của nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại.
1. Sau tiếp xúc, đối thoại, bí thư cấp ủy chủ trì, tổ chức họp rút kinh nghiệm và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết những nội dung nhân dân phản ánh, kiến nghị. Những trường hợp ngoài thẩm quyền thì có văn bản kiến nghị đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
2. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chịu trách nhiệm lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, tham mưu giải quyết các yêu cầu chính đáng của nhân dân theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
CHƯƠNG V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15: Ban dân vận cấp ủy chủ trì, phối hợp với các ban đảng và văn phòng cấp ủy tham mưu cho cấp ủy cùng cấp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này; định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện cho Ban thường vụ cấp ủy.
Đối với cấp xã, văn phòng cấp ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.
Điều 16: Kinh phí tổ chức tiếp xúc, đối thoại
Kinh phí tổ chức tiếp xúc, đối thoại của cấp nào do các cấp ủy cấp đó tự cân đối chi.
Điều 17: Điều khoản thi hành
1. Các cấp ủy và bí thư cấp ủy trong tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
2. Các đảng ủy trực thuộc: Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh; Khối các cơ quan tỉnh, Khối Doanh nghiệp tỉnh căn cứ Quy chế này và hướng dẫn của ngành dọc (nếu có) vận dụng thực hiện cho phù hợp.
3. Quá trình thực hiện nếu có vấn đề mới phát sinh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có điều chỉnh, bổ sung.
Các tin khác
- Chương trình số 55-CTr/TU, ngày 19/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới (06/06/2024)
- Chỉ thị số 54-CT/TU, ngày 17/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh và Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 (08/08/2023)
- Chỉ thị số 47-CT/TU, ngày 20-02-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của... (05/04/2023)
- Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 14/10/2021 của Ban Thường vụ Tinh ủy về việc lãnh đạo đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp trong tỉnh, nhiệm kỳ 2022 - 2027 (16/12/2021)
- Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 08/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đại hội Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (16/12/2021)
- Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ... (16/04/2021)
- Quyết định số 2056-QĐ/TU, ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy định về trách nhiệm... (16/04/2021)
- Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội... (13/04/2021)
- Chỉ thị số 73-CT/TU,ngày 22 tháng 9 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (13/04/2021)
- Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (30/03/2021)
Trang đầu 1 2 Trang cuối
- TP.Tân An thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh Covid-19
- Thành ủy Tân An ban hành văn bản chỉ đạo mạnh mẽ các biện pháp giãn cách xã hội
- Công văn 766-CV/TU, ngày 16/72021 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19
- Thường trực HĐND tỉnh công bố số điện thoại tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri
- Thông báo về việc tổ chức ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2017
- Thông báo Nội dung thang điểm thi đua, khen thưởng, xếp loại trong phong trào TDBVANTQ
- TB Về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2017
- QĐ Về việc công bố công khai số liệu quyết toán ngân sách năm 2016